Vấn đề xin visa thường khá khó khăn với những nước văn minh, tiên tiến như Australia, Mỹ. Chuẩn bị kỹ giấy tờ, giữ tâm lý vững vàng và luôn trung thực khiến bạn suôn sẻ hơn trong quá trình xin visa du lịch.
Nắm rõ thời gian, địa điểm phỏng vấn
Việc nắm rõ thời gian, địa điểm giúp bạn chủ động hơn trong việc đi lại và bình tĩnh bước vào buổi phỏng vấn, không bị hấp tấp vội vàng.
Đến muộn là điều tối kỵ khi phỏng vấn xin visa hay trong bất cứ cuộc phỏng vấn quan trọng nào vì nó gây ấn tượng xấu ngay từ đầu với người phỏng vấn. Cố gắng đến sớm trước giờ hẹn ít nhất 10 phút để có sự chuẩn bị tâm lý lẫn ngoại hình, giúp bạn dễ dàng giữ được vẻ tự tin, thân thiện, gần gũi.
Khi đi phỏng vấn, bạn nên ăn mặc gọn gàng, lịch sự. Không ai quy định rạch ròi về những điểm này nhưng nếu có tác phong, vẻ ngoại hình tốt, bạn vẫn có cơ may được đánh giá cao khi phỏng vấn.
Chuẩn bị kỹ giấy tờ
Một yếu tố khiến việc xin visa trở nên khó khăn xuất phát từ khâu chuẩn bị hồ sơ. Bạn nên chuẩn bị hồ sơ thật kỹ, đáp ứng đủ 3 yếu tố: đầy đủ, rõ ràng (dễ xác minh, đối chiếu) và trung thực.
Một kế hoạch rõ ràng cho những ngày lưu lại nước ngoài. Đây là việc rất quan trọng dù đại sứ quán không yêu cầu vì nó chứng minh việc bạn có ý định du lịch thực sự. Bạn hãy làm một kết hoạch càng chi tiết càng tốt.
Nhiều bạn thường bỏ qua bảo hiểm du lịch. Thông thường, bảo hiểm du lịch phải trả tiền mua riêng, nhưng bạn sẽ được hoàn trả nếu không xin được visa.
Những yêu cầu trong danh sách chứng minh tài chính cố gắng làm càng “hoành tráng” càng tốt. Bạn nên đưa hết vào danh sách những tài sản mà bạn sở hữu như nhà cửa, xe cộ, đất đai, tiền gửi ngân hàng…
Nếu như bạn đi kèm vợ hoặc chồng, cùng nộp hồ sơ với nhau, có những thứ chỉ cần một bản duy nhất. Đó là những giấy tờ chứng nhận “của chung” như: sổ đỏ, đăng ký kết hôn, giấy tờ nhà đất, tài sản…
Nếu đi thăm thân qua con đường du lịch, hồ sơ không thể thiếu hợp đồng du lịch với công ty mà bạn đã mua tour, chương trình tour… Qua đó, bạn đã phần nào chứng minh được mục đích rõ ràng của chuyến đi và khả năng tài chính của mình.
Chuẩn bị trước một số câu hỏi
Thông thường ở các đại sứ quán thường có một một vài những câu hỏi quen thuộc, như thông tin về bản thân, sở thích, gia đình, và khả năng tài chính. Các câu hỏi liên quan đến vấn đề tài chính và việc bạn sẽ lưu lại ở nước ngoài bao lâu cũng như ý định quay trở về Việt Nam thường được các nhân viên sứ quán “đào” sâu hơn. Bạn hãy tập trước những câu hỏi này để trả lời một cách rành mạch và tự tin.
Giữ tâm lý vững vàng
Hãy hít thở thật sâu trước khi vào phỏng vấn để lấy sự bình tĩnh. Hãy tạo ra phong cách thoải mái, đừng quá căng thẳng sẽ khiến cuộc phỏng vấn của bạn không như mong muốn.
Bạn hãy luôn tỏ ra thân thiện, dễ gần và đừng quên mỉm cười.
Chủ động trong mọi câu trả lời
Bạn hãy trả lời phỏng vấn thật chính xác và ngắn gọn. Câu hỏi đơn giản nhưng bạn cung cấp được thông tin thú vị sẽ giúp gây ấn tượng mạnh với người phỏng vấn. Bạn chỉ cung cấp lượng thông tin cần thiết, tránh nói lan man, dài dòng.
Để thuyết phục viên chức phỏng vấn tin rằng bạn không có ý định lưu lại đất nước bạn muốn đến, hãy chứng minh sự trở về bằng những mối quan hệ ràng buộc như gia đình, công việc.
Trung thực khi trả lời
Có nhiều trường hợp bị từ chối cấp visa chỉ vì sơ suất trả lời không khớp với hồ sơ hoặc trả lời sai khi nghe không rõ câu hỏi. Trong trường hợp này, bạn nên yêu cầu viên chức lãnh sự nhắc lại câu hỏi hoặc im lặng chứ không nên vội vàng trả lời ngay.
Không nên “phóng đại” một số khả năng, kinh nghiệm của mình và nhất là khả năng tài chính. Đây là sai lầm lớn vì thực ra, hầu hết thông tin này đã có hết trong hồ sơ của bạn, kèm theo cả các giấy tờ chứng thực.
Để thuyết phục viên chức phỏng vấn tin rằng bạn không có ý định lưu lại đất nước bạn muốn đến, hãy chứng minh sự trở về bằng những mối quan hệ ràng buộc như gia đình, công việc, là những yếu tố được quan tâm khi duyệt xét visa.
Làm gì khi bị từ chối cấp visa?
Nếu từng bị từ chối cấp visa, bạn có thể làm lại các toàn bộ thủ tục tương tự như lần phỏng vấn đầu tiên, bao gồm đóng lại lệ phí và đăng ký ngày hẹn phỏng vấn mới.
Tuy nhiên, theo nhiều lời khuyên từ những người có kinh nghiệm, trừ khi hồ sơ có sự thay đổi đáng kể, bạn không nên nộp hồ sơ phỏng vấn lại trong vòng 6 tháng kể từ khi bị từ chối.